Bảo quản thức ăn đúng cách giúp tối ưu chi phí nuôi tôm

Việc quản lý hiệu quả về thức ăn, chi phí và trách nhiệm với môi trường là điều vô cùng quan trọng và cần thiết trong sản xuất tôm, cũng như với bất kỳ loại thủy sản được nuôi khác.

Việc lưu trữ và bảo quản thức ăn vô cùng quan trọng

Quản lý thành công thức ăn cho tôm thương phẩm đòi hỏi phải hiểu rõ được môi trường thủy sinh, cải thiện nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, quản lý chất lượng nước ao nuôi, xử lý các vấn đề của thức ăn thừa cũng như phương pháp và chế độ ăn. Dù thức ăn có chất lượng tốt, nhưng nếu không được quản lý và bảo quản đúng cách sẽ cho hiệu quả kém với tôm nuôi và môi trường. Việc cho ăn quá nhiều khiến thức ăn dư thừa sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, khiến thức ăn có chất lượng tốt đóng vai trò như một loại phân bón bình thường. Bởi vậy, việc quản lý thức ăn thủy sản là một quá trình tuần tự với các mắt xích liên kết chặt chẽ.

Mỗi cơ sở sản xuất cần tính toán xác định tỷ lệ, tần suất cho ăn tối ưu nhất. Tiến hành các thử nghiệm so sánh kết quả về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn trong một vài chu kỳ sản xuất để đánh giá được sự thay đổi lượng thức ăn theo mùa và theo môi trường.

Một ví dụ điển hình liên quan đến tác dụng của việc quản lý thức ăn hiệu quả của Tiến sĩ Albert Tacon được tiến hành vào năm 1993 tại Thái Lan. Thức ăn đã được sử dụng trong một chu kỳ sản xuất của 174 trang trại cho giá trị FCR trong khoảng từ 1:1 đến 2,6:1. Điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong kết quả mà cùng một loại thức ăn có thể tạo ra khi đối tượng của các trang trại khác nhau, điều kiện quản lý và cho ăn khác nhau, phương pháp sản xuất được sử dụng bởi các đơn vị sản xuất khác nhau.

Sự thay đổi FCR của 174 trang trại nuôi tôm sú sử dụng thức ăn công nghiệp được thử nghiệm tại Thái Lan

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiêu thụ thức ăn ở tôm

Sau khi xem xét, quan sát thí nghiệm cho thấy dữ liệu được sử dụng có thể phụ thuộc vào một số biến số và hoàn cảnh cụ thể mà khó có sự trùng khớp với nhau giữa các nghiên cứu.

Các loài tôm he khác nhau sẽ có những tập tính ăn khác nhau. Hành vi kiếm ăn phụ thuộc vào giống loài, kích cỡ hay ảnh hưởng của điều kiện môi trường sống, thời gian giữa ngày và đêm, nguồn thức ăn tự nhiên, mật độ nuôi và nhiều biến số khác. Tất cả các yếu tố này đều cần được xem xét để đánh giá và hiểu rõ hơn về tập tính ăn nhằm hữu ích hơn cho việc quản lý thức ăn. Các thông tin này cần được tối ưu hóa tại mỗi trang trại sao cho phù hợp với điều kiện và các yếu tố của trại đó, giúp việc xử lý thức ăn được hiệu quả hơn.

Ảnh: Các loài tôm khác nhau có biểu hiện hành vi kiếm ăn khác nhau

         (A): Tôm xanh, (B) Tôm thẻ chân trắng, (C) tôm sú

Khi nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, nhu cầu về một số loại thức ăn công nghiệp sẽ giảm xuống. Trong những tuần đầu tiên thả, lượng sinh khối thấp đến khi đạt đến mức quan trọng tương đương với sức chứa của ao (thông thường từ 200 – 250 kg/ha, tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau) thì tầm quan trọng của việc áp dụng thức ăn công nghiệp ngày càng trở nên quan trọng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi.

Về chất lượng nước trong các hệ thống sản xuất, các thông số quan trọng nhất vẫn là nhiệt độ, oxy hòa tan, pH và độ mặn. Tôm không thể tự điều chỉnh nhiệt độ môi trường sống, yếu tố này ảnh hưởng đến quá trình sinh lý bao gồm tốc độ trao đổi chất và cho ăn. Nhiệt độ quá cao (hoặc quá thấp) hay lượng oxy hòa tan giảm sẽ làm giảm tỷ lệ ăn. Các mức khuyến nghị về oxy hòa tan ít nhất phải đạt 4,0 ppm hoặc cao hơn, điều này là rất khó đối với những ao nuôi bán thâm canh không có sục khí cơ học.

Tôm lột xác theo chu kỳ (vài ngày đến vài tuần) trong suốt cuộc đời của chúng, đây là giai đoạn dễ gây stress và tính thèm ăn của chúng giảm đi rõ rệt. Có thể sẽ mất từ 2 – 5 ngày để con vật hoàn thiện lớp vỏ mới và ăn uống trở lại bình thường. Bởi vậy, điều quan trọng vẫn là nhận biết được lúc nào là thời điểm lượng tiêu thụ thức ăn của chúng giảm để điều chỉnh cách cho ăn tránh gây lãng phí.

Chất lượng thức ăn cũng rất quan trọng, tôm cần được cho ăn những thức ăn đầy đủ năng lượng, dinh dưỡng để có thể đáp ứng được nhu cầu cho sự tăng trưởng và phát triển, kích thích hoạt động ăn của chúng. Khả năng hấp dẫn của thức ăn và sự ngon miệng của chúng cũng là những yếu tố cần lưu ý.

Lựa chọn thức ăn thương mại cho tôm

Mỗi trang trại đều tự xây dựng cho mình các yêu cầu về chất lượng thức ăn riêng. Có nhiều tiêu chí khác nhau được sử dụng để đánh giá khẩu phần thức ăn cho tôm thương phẩm bao gồm kích thước viên, độ đồng đều, ẩm độ, hàm lượng protein và lipid, độ ổn định trong nước, mùi thơm cũng như tính hấp dẫn thu hút tôm. Thức ăn được chọn phải đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng của loài và phải tươi mới, không có độc tố nấm mốc hay làm lượng thuốc trừ sâu, khả năng gây ô nhiễm thấp.

Thức ăn cần phải có chất dẫn dụ, các chất dẫn dụ khác nhau thường được sử dụng trong thức ăn của tôm để cải thiện khả năng nhận biết và phát hiện thức ăn của chúng, đồng thời giảm thời gian phản ứng trong các hoạt động ăn uống lên đến 50% so với thức ăn không có chất dẫn dụ.

Việc bổ sung các enzym và các thành phần dễ tiêu hóa trong công thức thức ăn sẽ làm tăng sự đồng hóa các chất dinh dưỡng và giảm các chất bài tiết. Kích thước thức ăn viên phải phù hợp với kích cỡ của tôm, thức ăn phải đủ độ ổn định sau khi ngâm nước để tránh bị hư hỏng nhanh làm mất các dưỡng chất quan trọng và gây lãng phí. Bởi vậy điều quan trọng là chúng cần phải có độ ổn định thích hợp giúp tôm có thể hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng, giảm lượng chất thải ra môi trường đồng thời giúp tối ưu chi phí nuôi.

Xử lý và bảo quản thức ăn cho tôm

Việc quản lý, bảo quản thức ăn cho tôm phải được thực hiện ngay từ khi nhận hàng. Quản lý thức ăn kém sẽ dẫn đến việc hư hỏng, giảm chất lượng thức ăn, giảm khả năng hấp dẫn và tính ngon miệng cũng như dẫn đến thiếu hụt về dinh dưỡng, tôm kém phát triển nên sức đề kháng kém, khả năng dịch bệnh tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế. Khi nhận hàng, cần kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố vật lý, trọng lượng. Ngoài ra, các mẫu thức ăn nên được thu thập định kỳ để kiểm tra về chất lượng, phân tích thành phần, độc tố nấm mốc và dư lượng thuốc trừ sâu.

Thức ăn thủy sản được làm từ các nguyên liệu rất dễ hỏng nên điều quan trọng là chúng cần được quản lý, bảo quản đúng cách cho đến khi sử dụng. Hầu hết các nhà sản xuất đều cung cấp các hướng dẫn chung để quản lý và bảo quản, bao gồm:

  • Bảo quản thức ăn ở nơi khô ráo, thoáng mát
  • Tuân thủ nguyên tắc “vào trước, xuất trước” của FIFO. Tốt nhất nên sử dụng trong vòng 2 – 4 tuần đầu sau khi sản xuất và không nên bảo quản quá 2- 3 tháng.
  • Các bao thức ăn phải được xếp chồng lên nhau trên pallet (mỗi chồng không quá 10 bao) để tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt đất và cách tường ít nhất 45 – 50 cm. Đặt bẫy chuột cẩn thận.
  • Các loại thức ăn khác nhau cần được phân loại riêng biệt và có đánh dấu rõ ràng. Đặc biệt chú ý phân biệt loại thức ăn có thuốc và không có thuốc.
  • Tránh va chạm mạnh, đặc biệt là đối với thức ăn dạng viên, va chạm mạnh sẽ khiến tỷ lệ vỡ vụn nhiều, gây thất thoát thức ăn và giảm hàm lượng dinh dưỡng.
  • Tại một số trang trại cho ăn nhiều lần trong ngày, thường sẽ chuyển thức ăn từ kho xuống bờ ao 1 lần vào buổi sáng. Vậy nên cần chú ý bảo quản thức ăn tránh ánh nắng mặt trời hoặc mưa tạt vào.

(Thức ăn nên được xếp trên pallet theo đúng quy chuẩn)

Khuyến cáo về việc bảo quản thức ăn thủy sản ở nhiệt độ môi trường trong khoảng 28 – 30oC có thể không thực tế trong quy mô nuôi thương mại bởi bài toán chi phí. Nhưng nghiên cứu này đã chỉ ra cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc bảo quản thức ăn đúng cách trong nuôi trồng thủy sản.