7 tháng đầu năm, nước ta ghi nhận 21.91 ha tôm mắc EHP

Theo thống kê mới nhất của Cục Thú Y đã ghi nhận 21.91 ha tôm nhiễm vi bào tử trùng (EHP) tại các tỉnh như Hải Phòng, Ninh Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng. Kết quả xét nghiệm bệnh của 7 tháng đầu năm 2020 cho thấy tỷ lệ dương tính với EHP lên đến 9.10%. Tuy nhiên, đây chỉ là tỷ lệ được giám sát trên các mẫu có triệu chứng, chưa thực hiện giám sát chủ động.

Trước đó, chúng ta đã tiến hành nghiên cứu 200 mẫu tôm giống thu tại các tỉnh tập trung nuôi tôm như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, 160 mẫu tôm nuôi nuớc lợ được thu tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, 24 mẫu thức ăn thu từ 8 công ty bán thức ăn tôm và 60 mẫu động vật hiện diện trong ao nuôi tôm như ruốc, ốc đinh, cá rô phi, hàu. Mẫu tôm được thu từ các ao tôm có biểu hiện chậm lớn và các dấu hiện bất thường ở gan tụy trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2019 (3 tháng) và kiểm tra bằng phương pháp PCR để phát hiện các mầm bệnh như EHP (Enterocytozoon hepatopenaei), WSSV (White Spot Syndrome Virus), Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gạn tụy cấp và IHHNV (Infectious Hyperdermal and Haematopoietic Necrosis Virus).

Tỷ lệ nhiễm EHP trên tôm giống là 7,0%. Tỷ lệ nhiễm EHP trên tôm nuôi tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau lần lượt là 48,4%, 34,1% và 40,4%. Trong số các mẫu nhiễm EHP cho thấy mức độ đồng cảm nhiễm của EHP với WSSV, Vibrio và IHHNV. Trong đó, tỷ lệ đồng cảm nhiễm của EHP với Vibrio  là cao nhất (chiếm 18,57% trong số các mẫu dương tính với EHP). Không phát hiện EHP trong tất cả các mẫu thức ăn kiểm tra. Tuy nhiên phát hiện EHP ở con ruốc, ốc đinh và hàu. Có thể kết luận rằng tôm chậm lớn có liên quan mật thiết đến nhiễm EHP và các động vật khác có thể là nguồn lây nhiễn.

Để giải quyết vấn đề trên, Cục Thú y cũng kịp thời đưa ra các giải pháp chỉ đạo:

– Đối với cơ sở sản xuất giống: (1) Kiểm soát và xử lý tốt các loại mầm bệnh tại các cơ sở sản xuất tôm giống thông qua việc chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý; (2) Tập trung xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh theo quy định và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT (Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT và Quyết định số 4088/QĐ-BNN-TY).

– Đối với cơ sở nuôi thương phẩm: (1) Xử lý triệt để ao nuôi để diệt các loại mầm bệnh trước khi thả giống; (2) Xử lý nước, thức ăn trong quá trình nuôi; (3) Triển khai hoạt động giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm nguy cơ để có biện pháp quản lý, chăm sóc, can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh theo quy định và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT (Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT và Quyết định số 4088/QĐ-BNN-TY).

P.V